Hen suyễn là bệnh lý hô hấp mạn tính, không thể chữa khỏi hoàn toàn. Khi bệnh nhân lên cơ hen nhưng không được xử trí kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của bệnh nhân. Vậy bệnh hen suyễn kiêng ăn gì và bệnh hen suyễn nên ăn gì?
1. Bệnh hen suyễn nên ăn gì?
1.1. Trái cây và rau
Không có chế độ ăn kiêng cụ thể nào có thể giúp bạn loại bỏ những khó khăn về hệ hô hấp, nhưng một số loại thực phẩm có thể mang lại nhiều lợi ích. Trong đó trái cây và rau là một lựa chọn rất tốt khi tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi bệnh hen suyễn nên ăn gì. Trái cây và rau chứa một lượng lớn các chất chống oxy hóa như beta carotene và vitamin E, C – những chất này giúp ngăn chặn các phần tử được gọi là “gốc tự do” gây hại cho tế bào và có thể gây viêm, kích ứng phổi của bệnh nhân hen.
1.2. Vitamin D
Chúng ta nhận được hầu hết vitamin D từ ánh nắng mặt trời, vitamin D cũng có mặt trong một số loại thực phẩm. Nguồn cung vitamin D hàng đầu là các loại cá béo (như cá hồi và cá kiếm), tiếp đến là sữa, trứng và nước cam. Chất dinh dưỡng này giúp tăng cường khả năng của hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể chống lại vi khuẩn và có thể làm giảm tình trạng sưng nề đường hô hấp. Bệnh hen suyễn nên ăn gì thì một trong số đó phải là vitamin D vì nồng độ vitamin D thấp sẽ dẫn đến khởi phát nhiều đợt khó thở hơn.
1.3. Quả hạch và các loại hạt
Quả hạch và các loại hạt chứa nhiều chất dinh dưỡng, một trong số đó có thể tốt cho bệnh hen suyễn là vitamin E. Hạnh nhân, quả phỉ là những nguồn cung vitamin E rất tốt, bên cạnh các loại rau họ cải như bông cải xanh và cải xoăn. Vitamin E có tocopherol, một chất hóa học có thể giúp giảm ho và khò khè do bệnh hen suyễn gây ra.
1.4. Chế độ ăn Địa Trung Hải
Chế độ ăn Địa Trung Hải được tạo thành từ nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, đậu và các loại hạt. Người theo chế độ này nên ăn cá và thịt gà ít nhất hai lần một tuần và hạn chế thịt đỏ. Thay vì dùng bơ, chúng ta nên nấu với dầu ô liu hoặc dầu hạt cải và nêm gia vị bằng các loại thảo mộc thay vì muối. Thậm chí chế độ ăn này còn có một chút rượu vang đỏ tùy thích cho người lớn. Một số nghiên cứu cho thấy những người ăn theo cách này có thể ít lên cơn hen suyễn hơn và ít có nguy cơ mắc bệnh ngay từ đầu.
1.5. Cá
Đây là nguồn cung cấp dồi dào axit béo omega-3, đặc biệt là các loại cá béo như cá hồi, cá trích, cá ngừ và cá mòi. Omega 3 giúp giảm lượng IgE mà cơ thể tạo ra, đây là một loại kháng thể gây ra các vấn đề về hô hấp ở một số người bệnh hen suyễn. Thực tế việc sử dụng các thuốc steroid liều lượng cao đường uống trong phác đồ điều trị hen suyễn là một biện pháp ức chế tác dụng của kháng thể IgE.
1.6. Cà chua
Thực phẩm làm từ cà chua dường như có thể giúp ích cho người bệnh hen suyễn. Các nhà khoa học cho rằng, lycopene trong cà chua mang lại nhiều lợi ích nhất, nhưng vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu khác để chứng minh. Một số nghiên cứu cho thấy chúng có thể giúp người bệnh hô hấp tốt hơn trong thời gian dài.
1.7. Chế độ ăn đa dạng
Mặc dù có nhiều loại thực phẩm tốt cho hen suyễn nhưng thực tế không có thực phẩm nào có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh hen suyễn. Do đó, nếu nhắc đến vấn đề bệnh hen suyễn nên ăn gì thì ngoài những thực phẩm nên trên, người bệnh cần có chế độ ăn đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, vitamin. Điều này giữ cho cơ thể đủ khỏe mạnh để chống lại hoặc ngăn chặn các đợt hen cấp. Trao đổi với bác sĩ về bất kỳ thay đổi lớn nào trong chế độ ăn uống, vì điều này có thể ảnh hưởng đến tình trạng bệnh và các thuốc điều trị.
2. Bệnh hen suyễn không nên ăn gì?
2.1. Trái cây sấy khô
Bệnh hen suyễn kiêng ăn gì, một trong số đó chính là trái cây sấy khô. Mặc dù trái cây tươi, đặc biệt là cam và táo, nằm trong danh sách bệnh hen suyễn nên ăn gì vì chúng có thể kiểm soát bệnh, nhưng chất sulfite khi bảo quản trái cây khô có thể là yếu tố khiến bệnh tồi tệ hơn ở một số bệnh nhân. Ngoài ra, rượu (đặc biệt là rượu vang đỏ), tôm, rau ngâm, quả anh đào maraschino và nước chanh đóng chai cũng có thể có chất sulfite.
2.2. Đậu
Đậu sinh ra nhiều hơi khi sử dụng, có thể gây đầy bụng và khiến người bị suyễn khó thở hơn. Bên cạnh đó, đậu thậm chí có thể kích hoạt cơn khó thở do hen suyễn. Người bệnh cần ngâm đậu trong vài giờ và thay nước vài lần để giảm bớt tác dụng này khi sử dụng. Một số thủ phạm khác có thể sinh nhiều hơi bao gồm tỏi, hành tây, đồ chiên rán và đồ uống có ga.
2.3. Cà phê
Salicylat là một hóa chất tự nhiên có trong cà phê, trà, thảo mộc, một số gia vị và thậm chí trong các thuốc kháng viêm (như aspirin). Mặc dù đa số chúng ta không phản ứng với salicylate nhưng bản thân chất này có thể khiến người bệnh khó thở, đặc biệt ở bệnh nhân hen suyễn. Do đó, bệnh hen suyễn nên kiêng gì thì chắc chắn không thể thiếu thực phẩm chứa salicylate như cà phê.
2.4. Dị ứng thực phẩm
Bạn có nhiều khả năng bị dị ứng thực phẩm nếu bị hen suyễn. Phản ứng với thức ăn có thể gây ra triệu chứng thở khò khè và các triệu chứng hen suyễn khác. Trong một số trường hợp, triệu chứng sẽ tồi tệ hơn nếu bạn tập thể dục sau khi ăn một số loại thực phẩm gây dị ứng. Cố gắng để ý xem thực phẩm gây dị ứng đó là gì và tránh xa nó. Các tác nhân điển hình thường là các loại hạt, sữa, lúa mì, động vật có vỏ….
2.5. Ăn quá nhiều thức ăn
Khi bạn ăn nhiều calo hơn mức mà cơ thể đốt cháy, cơ thể bạn sẽ tích trữ lượng calo thừa trong các tế bào mỡ. Nếu bạn bị béo phì (BMI 30 trở lên), bạn có nhiều khả năng bị hen suyễn và nó làm cho các triệu chứng của bạn tồi tệ hơn. Ngoài ra, bạn có thể không đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị điển hình như steroid dạng hít để ngăn cơn hen suyễn.
2.6. Các chất bổ sung
Theo nguyên tắc chung, chất bổ sung không hoạt động tốt giống như các chất dinh dưỡng từ thực phẩm để bảo vệ bệnh nhân khỏi bệnh hen suyễn. Chúng ta có thể đã nghe nói rằng chất bổ sung “isoflavone đậu nành” có thể làm dịu các triệu chứng hen suyễn, tuy nhiên điều này chỉ xảy ra ở một số ít người mắc bệnh hen suyễn, vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để khẳng định chắc chắn.
2.7. Nitơ lỏng
Chúng ta có thể nhìn thấy một luồng khói lạnh tỏa ra từ một ly cocktail ưa thích, một món tráng miệng đông lạnh mới ra mắt ở trung tâm mua sắm hoặc các loại thực phẩm khác. Điều này có thể rất thú vị, nhưng tốt nhất bệnh nhân hen suyễn nên tránh xa nó. Nitơ lỏng có thể gây ra các vấn đề về hô hấp, đặc biệt nếu bạn bị hen suyễn, cũng như gây tổn thương nghiêm trọng đến da và thậm chí là các cơ quan nội tạng.
Khi đã biết được chế độ ăn hợp lý cho người bệnh hen suyễn, bạn nên chủ động áp dụng theo để tình trạng bệnh được cải thiện. Bên cạnh đó, có thể chủ động tham khảo ý kiến bác sĩ để có những chỉ định phù hợp cho tình trạng sức khỏe hiện tại.
Nguồn tham khảo: Vinmec